ANICON - Ngày 10/07/2024, tại Hà Nội, Công ty HanaGokoro và Công ty TNHH Anicon, phối hợp cùng CLB giao lưu nông nghiệp Việt Nhật và Công ty CP đầu tư và phát triển thương mại quốc tế Orgen tổ chức chương trình giao lưu nông nghiệp Việt Nhật với chủ đề “hồi sinh nông nghiệp địa phương bằng sản phẩm OCOP”
Sự kiện đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và online, bao gồm đại diện từ JICA, CLB giao lưu nông nghiệp Nhật Việt, Viện nghiên cứu rau quả, Hội nông dân, Hiệp hội thực phẩm minh bạch và 1 số doanh nghiệp, hợp tác xã, khách mời Nhật Bản,...
Tại chương trình, lãnh đạo công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ Anicon đã phát biểu khai mạc chương trình, nhấn mạnh tầm quan trọng của hồi sinh nông nghiệp địa phương bằng các sản phẩm OCOP. Bà Nguyễn Thu Trang, giám đốc công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ Anicon đã giới thiệu về chương trình, và trình bày về mục tiêu của chương trình.
Đại diện của Công ty Hanagokoro, ông Kozuka Junichi, đã chia sẻ về nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Ông chia sẻ rằng đất đai thoái hóa do sử dụng quá nhiều chất trừ sâu và doanh nghiệp của ông đã thành công trong việc cải tạo lại đất đồng thời đề xuất các phương pháp cải tạo đất. Bài phát biểu này đã mở ra nhiều triển vọng mới cho việc tái tạo đất nông nghiệp.
Đại diện của Sasaki, bà Trần Thu Trang đã có bài phát biểu về việc nâng cao giá trị nông sản Việt nhờ vào máy móc tiên tiến như máy sấy lạnh, máy sấy bằng năng lượng mặt trời,....Bên cạnh đó, bà cũng giới thiệu về công nghệ sấy đa năng thông minh Sasaki như dòng máy sấy all in one, dòng máy sấy lạnh công nghiệp, hiệu suất cao. Những dòng máy sấy này có hệ thống tách âm tuần hoàn khí kín, cân bằng nhiệt kép giúp giữ nguyên màu-nguyên mùi-nguyên vị của nông sản. Bà cũng chỉ ra điểm khác biệt của Sasaki chính là dịch vụ bán hàng theo tiêu chuẩn Nhật Bản hoàn toàn khác biệt, luôn đồng hành cải tiến, sáng tạo cùng khách hàng.Tháng 8 sắp tới, Sasaki sẽ cho ra mắt sản phẩm máy sấy thăng hoa phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đại diện của GINKGO, bà Dương Hải Yến cũng chia sẻ về thực trạng sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt và đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết những thách thức hiện tại như quản lý chi tiết vụ trồng hay kí kết các hợp đồng canh tác ổn định. Trong bài phát biểu, bà Yến cũng đã trình chiếu các hình ảnh thực tế về sản phẩm và mô hình mà Ginkgo đang thực hiện làm minh chứng cụ thể. Những ý kiến và đề xuất của bà Yến đã nhận được nhiều sự quan tâm và thảo luận sôi nổi từ các đại biểu.
Sau đó là bài phát biểu của ông Đỗ Trung Dũng, đại diện sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ về hồi sinh nông nghiệp địa phương bằng sản phẩm Ocop tại tỉnh Phú Thọ và phương hướng trong thời gian tới. Phú Thọ là mảnh đất màu mỡ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng chủng loại cây trồng, vật nuôi. Tỉnh Phú Thọ và tỉnh Nara- Nhật Bản đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Sau thời gian hợp tác và kêu gọi đầu tư, Phú Thọ đã có được những kết quả nổi bật như thu hút hơn 200 dự án FDI với tổng vốn khoảng 3100 triệu USD, 235 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên,....Trong bài phát biểu, ông Dũng cũng đưa ra các định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng và luôn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Bài phát biểu này đã mang đến những góc nhìn mới và những kế hoạch cụ thể để phát triển nông nghiệp bền vững.
Anh Lương Văn Trường cũng có bài phát biểu về hoạt động của hợp tác xã thanh niên Nam Đại Dương. Trong bài phát biểu của anh đã cho thấy được những kết quả nổi bật của bản thân anh và của cả hợp tác xã. Những kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động của hợp tác xã đã truyền cảm hứng cho nhiều đại biểu tham dự.
Điểm nhấn của chương trình là bài phát biểu của bà Nguyễn Thu Trang. Trong bài phát biểu, bà Trang đã chỉ ra các vấn đề đối với doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời nêu ra mong muốn, đề xuất, khảo sát ý kiến của các đại biểu về việc thành lập hội giao lưu nông nghiệp Việt-Nhật nhằm tăng cường hợp tác và phát triển nông nghiệp bền vững hơn giữa hai nước.
Những bài phát biểu chia sẻ đến từ đại diện các doanh nghiệp và đơn vị đã đem lại rất nhiều thông tin hữu ích và thiết thực cho các bên tham gia, giúp họ có thể giải quyết các bài toán khó trong nông nghiệp, giải quyết các thắc mắc về tiêu chí để xuất khẩu sản phẩm nông sản sang các thị trường nước ngoài.
Ngoài các phần thảo luận, các đại biểu cũng có dịp tham quan sản phẩm, tài nguyên và các sản phẩm nông sản như cà phê, hạt tiêu, nem chua, trà,....
Sau giờ giải lao, giao lưu riêng thì đến phiên thảo luận. Các đại biểu đã có phiên thảo luận sôi nổi với sự góp mặt của bà Nguyễn Thu Trang, bà Dương Hải Yến, ông Kozuka Junichi và ông KAYANO Naok - cố vấn tại JICA. Các đại biểu tham dự đã đặt những câu hỏi xoay quanh sản phẩm OCOP, đầu ra cho nông sản. Buổi giao lưu cũng nhận được ý kiến đóng góp và đề xuất từ phía các đại biểu tham dự trực tiếp.
Kết thúc chương trình, bà Nguyễn Thu Trang đã lên tổng kết, phát biểu bế mạc chương trình, đồng thời có những bức ảnh lưu niệm và bữa tiệc tối với các đại biểu
Chương trình giao lưu nông nghiệp Việt Nhật với chủ đề “hồi sinh nông nghiệp địa phương bằng sản phẩm OCOP” đã diễn ra thành công, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển mới giữa các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Sự kiện không chỉ thúc đẩy hồi sinh nông nghiệp địa phương bằng sản phẩm OCOP mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia có cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.